Cấu trúc Đồng Khởi (giao hưởng)

Tác phẩm có cấu trúc gồm 3 phần được sáng tác ở hình thức sonata, thậm chí là được so sánh với 3 chương của liên khúc sonata giao hưởng.[8] Mở đầu tác phẩm gồm 2 chủ đề. Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thị Nhung, chủ đề 1 diễn tả tiếng "rên xiết đau khổ" của nhân dân Việt Nam bằng nét nhạc của cello với tốc độ Adagio (chậm), tiếp theo là kèn fagotte, kèn cor và trở lại ở bè dây. Chủ đề 2 tương phản với chủ đề 1, bà cho rằng nét nhạc chuyển sang tốc độ Moderato (vừa phải) để thể hiện "sự tàn bạo" của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. [9]

Phần trình bày của tác phẩm tiếp tục được phát triển trên hai chủ đề của phần mở đầu. Chủ đề chính viết ở giọng Sol thứ, âm nhạc mang tính chất "bi thương" ở bè violin I và tiếp tục chuyển sang bộ kèn gỗ và các bè nhạc cụ khác.[9] Phạm Tú Hương cho rằng đây là một sự xuất hiện không hoàn chỉnh mà "xé lẻ" đưa lên dần từ nhạc cụ này sang nhạc cụ khác.[3] Từ ô nhịp 62, chủ đề 1 và chủ đề 2, nhịp nhạc chuyển liên tục giữa 2
43
4 nhằm tạo "tính căng thẳng". Từ ô nhịp 82 là sự nhắc lại các nhân tố trên nhưng được thay đổi và mở rộng. [9][10] Âm điệu của chủ đề 2 được miêu tả là "quân xâm lược dữ dằn", thể hiện bằng nét nhạc có nhiều biến âm, nghịch phách ở tiết tấu và bị chia nhỏ bởi các dấu lặng. Để tăng cường kịch tính, ông sử dụng bộ gõ.[3] Chủ đề kết quay lại giọng Sol thứ với giai điệu chủ yếu ở quãng 2 thứ và 3 thứ.[11]

Phần giữa tác phẩm được xác định ở ô nhịp 151, được mô tả như "khúc đưa tang, đau thương". Giai điệu vang lên chậm rãi ở kèn cor, tiếp đó đến oboe và được nhắc lại ở violin I. Âm thanh các bè được tăng cường dần như thể hiện sự "kiên nghị", "bất khuất".[4][10] Ông muốn diễn tả âm hình tượng quần chúng nhân dân Việt Nam đi sau tiễn đưa các bà mẹ anh hùng Việt Nam qua đời trong khi ra trận với âm hưởng của kèn cor.[11]

Phần cuối bắt đầu từ ô nhịp 252, bắt đầu ở tốc độ Allegro (nhanh) nhằm tạo cao trào của giai điệu. Ông còn gọi phần này là "Nổi dậy".[11] Nguyễn Văn Thương chỉ sử dụng chủ đề 1 của phần mở đầu và trình bày nhưng bằng sự thay đổi âm hình tiết tấu, đây trở thành những nét nhạc mang tính "kêu gọi", "quật khởi". Ông mô tả những bước chân của chiến sĩ Cộng sản tại Miền nam Việt Nam xuống đường phá ấp trong phong trào Đồng Khởi thông qua cách phát triển triển chất liệu chủ đề.[4][12] Chủ đề "quân địch" đã dần biến mất, chỉ còn lại âm hưởng chủ đề "nhân dân" với dụng ý khẳng định "sức mạnh và sự chiến thắng của chân lý".[11]

Phần coda là một đoạn nhạc "hoành tráng" với sự tham gia của tất cả nhạc cụ trong dàn nhạc, mang tính ca ngợi chiến thắng của quần chúng nhân dân Việt Nam.[11]